Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

LƯU DANH HAY LƯU GÌ ?

(From: http://dienchan.com/index.php?cid=3,4&txtid=1780)
Hiện nay, ai cũng biết Phương pháp Diện Chẩn – điều khiển liệu pháp do GS-TSKH Bùi Quốc Châu tìm ra từ năm 1980 và đã phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới là một phương pháp điều trị trong lĩnh vực y học bổ sung với một yếu tố hết sức nhân văn và độc đáo, đó là việc “ biến bệnh nhân thành thày thuốc” giúp cho những ai học và áp dụng phương pháp này có thể tự chữa bệnh cho mình và cho người khác. Chính vì điều đó, nên đã có hàng trăm ngàn người theo học và qua đó cũng có biết bao nhiêu người Việt Nam và ngoại quốc đã có thể vận dụng để chữa trị hay đứng ra giảng dạy phương pháp này.
             Xuất phát từ nhu cầu chữa bệnh cũng như học hỏi, có rất nhiều người tìm kiếm trên các trang web nói về Diện Chẩn cũng như qua tài liệu sách vở, cũng có một số người nguyên là môn sinh của thày Bùi Quốc Châu, sau thời gian học tập nghiên cứu và thực hành chữa bệnh, đã biên soạn ra những tài liệu  với nhiều mục đích khác nhau. Nhưng dù với mục đích gì, thì một nguyên tắc quan trọng nhất mà ai là người cầm viết đều phải biết, đó là sự tôn trọng tác quyền nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu sáng tạo. Kiến thức là của chung, nhưng sự khai phá trong một lĩnh vực mới là công sức và sở hữu mỗi cá thể. Chúng ta có quyền sử dụng các kiến thức, và vận dụng các sáng tạo để đem đến cho mọi người những điều hữu ích, nhưng chúng ta phải biết tôn trọng những người đã tìm ra các kiến thức à sự sáng tạo đó
            Khi cầm cuốn sách: “ Nghiên cứu ứng dụng & phát triển Việt Y Pháp – Diện chẩn điều khiển liệu pháp” của tác giả Nguyễn thành Linh trên tay, chúng tôi rất vui khi có thêm một tác phẩm nói về Diện Chẩn. Nhưng tiếc thay, ngay từ tựa sách đã cho thấy sự sai lạc trong kiến thức và nhận thức về ngôn từ - Ai cũng biết, khi GS.TSKH Bùi Quốc Châu khai sáng ra phương pháp Diện Chẩn – Điều khiển liệu pháp, thì thày đã đưa ra khái niệm Việt Y Đạo – mà trong đó, ngoài Diện Chẩn – Điều khiển liệu pháp, còn có những phương pháp khác như Âm Dương Khí Công - Ẩm thực Dưỡng Sinh – Thể dục tự ý – Thai giáo Việt Nam…đều nằm trong đường hướng Việt Y Đạo. Tất cả những điều đó mới tạo nên một hệ thống bảo vệ sức khỏe con người để có thể sánh với hai lĩnh vực y học cơ bản nhất là Tây Y và Đông Y - đó là một tầm nhìn hết sức giá trị vì điều đó không chỉ xác định đây là một hệ thống Y học của người Việt Nam, mà đây còn là một con đường đi tới hạnh phúc, một hệ giá trị về tư tưởng của văn hóa Việt với sự thẩm thấu nền triết lý Tam Giáo Đông Phương. Nhưng ngay từ tựa sách, khi đưa ra khái niệm Việt Y Pháp – một khái niệm không có căn bản từ văn phạm cho đến ngữ nghĩa, vì ta chỉ dùng chữ pháp trong từ đôi là phương pháp hay liệu pháp, và nó mang ý nghĩa chỉ là một trong nhiều cách thức hay kỹ thuật điều trị của một nền học thuật. Vì thế, khi gắn chữ pháp vào hệ thống Việt Y (Y thuật của Việt Nam) là một sự gán ghép khiêm cưỡng chỉ cho thấy  một “lỗ hổng” khá lớn về kiến thức khi muốn đưa ra một khái niệm mới  nhằm tránh né từ Việt Y Đạo – một khái niệm chính thống đã phổ biến hơn 30 năm nay. Điều này chỉ có thể hiểu là một cách dùng “từ nhái” như những nhãn hàng nhái của Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường Việt Nam, chứ không thể xem là một phương pháp hay một học thuật mà tác giả là người “bào chế” ra.
            Đi vào nội dung, khi đưa ra nhận định: “Việt Y Pháp Diện Chẩn – điều khiển liệu pháp gọi tắt là Diện Chẩn liệu pháp là phương pháp khám và chữa bệnh căn cứ vào những hiện tượng biểu hiện thuộc tính tổ chức và hoạt động của não và hệ thống thần kinh trên mặt da, là loại hình y học bổ sung do Việt Nam phát minh ngày 26 tháng 3 năm 1980 ( Sdd trang 7). Chỉ với vài dòng ngắn ngủi, tác giả đã có hai sự sai lầm nghiêm trọng :
1.      Khi nói đến một phương pháp hay một loại hình cụ thể nào đó thì điều đó phải do một cá nhân hay một nhóm người dưới sự lãnh đạo của một nhà phát minh sáng chế ra, chứ không thể lẫn lộn với một quốc gia được. Khi nhắc đến thuốc tiêm chủng phòng bệnh dại, người ta phải nói đó là do nhà bác học Pasteur tìm ra chứ không thể nói là do nước Pháp phát minh ra. Trên thế giới, mọi phát kiến từ đơn giản đến vĩ đại đều gắn liền với tên tuổi của một người nào đó hay một nhóm nào đó. Ở đây, tác giả cố tình dùng khái niệm phát minh về Diện Chẩn gắn với nước Việt Nam, để tránh né sự thật về phát minh của thày Bùi Quốc Châu với phương pháp Diện Chẩn – điều khiển liệu pháp từ những năm 1980. Chúng ta có thể nói Việt Y Đạo là một hệ thống y học của Việt Nam, chứ không thế nói là do Việt Nam sáng chế ra vào một thời điểm cụ thể nào đó. Đây là hai ý nghĩa hoàn toàn khác nhau mà tác giả cố tình “đánh lận con đen” !
2.      Một sự sai lầm thứ hai, đó là vào ngày 26 -3 năm 1980 thì chỉ có sự ra đời của một kỹ thuật với danh xưng ban đầu là Diện Châm khi thày Bùi Quốc Châu khám phá ra một huyệt đạo trên mặt một người nghiện ma túy tại trung tâm cai nghiện Bình Triệu, nơi thày Châu đang công tác vào thời điểm đó. Thày đặt tên là huyệt số 1 – Cách đặt tên không giống bất kỳ tên gọi về huyệt đạo nào của Đông Y , và từ đó đã đặt nền tảng cho cả một hệ thống Việt Y Đạo chứ không chỉ riêng gì với Diện Chẩn – Điều khiển liệu pháp. ( tham khảo Website: tuchuabenh.com)
Tác giả có quyền nghiên cứu về y thuật, về huyệt đạo và cũng có quyền nghĩ ra một phương pháp chữa bệnh dựa trên các huyệt đạo nơi vùng mặt, nhưng phải gọi các huyệt đạo đó bằng một tên riêng khác với Đông Y hay với Việt Y Đạo và khác với từ Diện Chẩn – Điều khiển liệu pháp, vì đó là danh xưng do thày Bùi Quốc Châu nghĩ ra dựa trên nền tảng của cả một hệ thống lý luận chặt chẽ và đặc biệt là phù hợp với sự hiểu biết của tất cả mọi người. Tác giả vì không thể nghĩ ra một phương pháp nào khác, một cái tên hay ho nào khác, nên đành phải dùng trọn vẹn cả một cụm từ, trong đó chỉ thay thế chữ Đạo bằng chữ Pháp để thành ra Việt Y Pháp Diện Chẩn – Điều khiển liệu pháp và cho rằng, đó là nghiên cứu sáng tạo của nước Việt Nam, mà tôi là người Việt Nam nên có quyền xem đó là một nghiên cứu của tôi – nó khác với hệ thống lý luận Việt Y Đạo và phương pháp Diện Chẩn – Điều khiển liệu pháp của GS-TSKH Bùi Quốc Châu, đã hình thành và phát triển từ ngày 26 – 3 – 1980 đến nay ! Còn nghiên cứu của tác giả thì lại dựa trên sự phát minh của nước Việt Nam cũng vào ngày 26 – tháng 3 năm 1980 quý hiếm ấy, nhưng mãi đến hơn 30 năm sau thì tác giả mới viết ra được một cuốn sách để minh chứng cho sự tồn tại của Việt Y Pháp, trong khi với thời gian đó thì thày Bùi Quốc Châu và các môn sinh chân chính của mình đã cho ra đời hàng chục tác phẩm khác nhau, được biên soạn và dịch thuật sang 8 thứ tiếng và phát hành trên toàn cầu để quảng bá một nền y thuật Việt Nam là Việt Y Đạo!
Để chứng minh là nghiên cứu của mình khác với hệ thống lý thuyết của Diện chẩn – Điều khiển liệu pháp Bùi Quốc Châu – tác giả đã đưa vào cả những học thuyết về nguyên tử - phân tử của Lomonosov, cũng như các cơ sở lý luận của Darwin, của Mark- Engel … về vật lý, sinh học và triết học cũng như cả hệ thống lý luận về huyệt đạo của Đông y mà tác giả cho biết có 360 huyệt chính kinh và 17 huyệt ngoài kinh ( Sách Y Đông Kinh Giám ) cũng như xác định Diện chẩn liệu pháp ( của tác giả - hay của nước Việt Nam ? ) có 255 huyệt cùng với những huyệt chỉ xuất hiện khi có bệnh gọi là Sinh huyệt. Điều này cũng có thể chấp nhận nếu tác giả đưa ra được bản đồ 255 huyệt đó trên vùng mặt với cách gọi khác với 255 huyệt đạo của Diện chẩn Điều khiển liệu pháp Bùi Quốc Châu (DC- ĐKLP- BQC). Tại sao lại dùng chính sơ đồ huyệt của thày Bùi Quốc Châu với cũng những tên gọi như thế để minh họa trong sách của mình? Điều đáng trách lớn nhất, đó là khi đưa sơ đồ huyệt đạo vùng mặt của DC- ĐKLP-BQC vào sử dụng, thì tác giả lại cố tình không ghi tên người xây dựng ra sơ đồ huyệt đó, mà người nào học về Diện Chẩn, đều biết đó là của thày Bùi Quốc Châu – Tác giả cũng là người đã từng là môn sinh hai khóa của thày Châu, lẽ nào không biết điều đó ?
Ngoài hệ thống huyệt lấy từ DC- ĐKLP BQC, thì tác giả còn lấy một vài đồ hình phản chiếu ngoại vi cơ thể và một vài dụng cụ chữa bệnh đã có đăng ký bản quyền của thày Châu để minh họa cho các thủ pháp chữa bệnh của mình. Chúng ta biết rằng, phác đồ trị bệnh và nhất là dụng cụ điều trị thì có rất nhiều, nhưng mỗi phương pháp đều có những phác đồ riêng và dụng cụ riêng. Tại sao tác giả không xây dựng cho phương pháp mình một hệ thống đồ hình và những dụng cụ chuyên biệt, mà phải lấy những dụng cụ của Diện Chẩn đưa vào sách của mình mà không có sự đồng ý của thày Bùi Quốc Châu, tác giả hợp pháp của các dụng cụ này – Chúng ta nên biết, toàn bộ các dụng cụ của phương pháp DC- ĐKLP BQC  đã được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam Vietkings – xác nhận tác giả là Bùi Quốc Châu ( tháng 1/2010), cũng như cục sở hữu trí tuệ đã xác nhận bản quyền trên các dụng cụ này. Tác giả biết đăng ký bản quyền tác phẩm Việt Y Pháp để tránh sự sao chép hay thưa kiện, nhưng lại sử dụng trong sách này những hình ảnh, dụng cụ phác đồ lấy của người khác một cách bất hợp pháp !
Ngoài ra, để tránh việc sử dụng nhiều phác đồ điều trị của thày Bùi Quốc Châu và các cộng sự, tác giả lại dùng các hình ảnh minh họa lấy từ một tác phẩm bằng tiếng Pháp của các tác giả Marie France Muller – Nhuan Quang Le ( Le “Dien Cham” une etonnante methode Vietnamienne de reflexology facial –xb năm 2000 và được dịch ra tiếng Anh là Facial Reflexology – A self care manual xb năm 2006)  Tác phẩm này đã được dịch thuật qua tiếng Việt với tựa đề : Phương pháp bấm huyệt trên mặt – nxb Thanh Hóa ( mà có lẽ chưa được sự cho phép của bà Muller ). Hẳn là tác giả lý luận rằng, mình lấy các phác đồ trị bệnh theo Diện Chẩn từ sách tiếng Việt, mà sách tiếng Việt đã không xin phép tác giả (Tiếng Pháp và tiếng Anh ) để biên dịch thì mình cũng có quyền dùng “chùa” luôn ! Nói nôm na là lấy cắp đồ ăn cắp thì không cần báo cho kẻ trộm làm gì !
Trên thực tế, việc sử dụng các nghiên cứu của người khác, để đưa vào sách của mình là một điều hết sức bình thường, người ta gọi đó là tham khảo. Nhưng với nguyên tắc là phải ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ của các nghiên cứu đó, thậm chí ngay cả việc trích dẫn một câu hay một đoạn văn, nhất là những vấn đề liên quan đến khoa học, kỹ thuật thì cũng phải ghi rõ để minh chứng một điều, đó không phải là ý tưởng của người viết, mà chỉ là những điều của người khác được người viết dùng để minh họa hay chứng minh cho ý tưởng của mình.


Tác giả tự nhận mình là cử nhân Toán – Lý, hay nói một cách nôm na là sinh viên tốt nghiệp ĐH Sư Phạm Hà Nội mà vẫn không biết được nguyên tắc hết sức sơ đẳng này, một nguyên tắc mà bất cứ một sinh viên nào khi viết một bài luận văn đều phải biết, đó là ghi rõ tên tác phẩm, tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản của bất kỳ một tài liệu nào được đưa vào sử dụng trong luận văn của mình. Có thể là do tác giả chưa viết được một luận văn nào nên không biết đến nguyên tắc này chăng? ( có lẽ thế thật vì trong hình minh họa trang 65 ghi rõ tác giả mới chỉ là sinh viên năm thứ nhất khoa Toán – Lý ĐH Sư Phạm HN.


Chúng ta thử đọc một đoạn trong sách qua phát biểu của lương y Nguyễn Đăng Xiêng như sau:
“ Với tôi, càng sử dụng hệ thống huyệt của Diện Chẩn Liệu Pháp, trải nghiệm các phác đồ của thày Bùi Quốc Châu và đồng nghiệp, tôi càng ý thức sâu sắc cơ thể chúng ta là một sản phẩm hoàn thiện của tạo hóa…không nên tùy tiện mổ xẻ, cắt bỏ hay thay thế…”  (Trang 154 ) thì chúng ta sẽ thấy là lương Y Xiêng cũng công nhận các phác đồ là của thày Bùi Quốc Châu và đồng nghiệp. Vậy mà khi trích dẫn các phác đồ này vào trong sách của mình thì tác giả đã không ghi rõ trên từng đồ hình mà chỉ nói một cách hết sức ngắn gọn trong phần mục lục cuối tập sách một vài dòng chữ ngắn ngủi. ( phụ lục 2 : 25 đồ hình cơ bản của Bùi Quốc Châu)
Ngoài việc sử dụng các nghiên cứu và phác đồ của thày Bùi Quốc Châu, mà tác giả tự xem là “tài sản chung”của nước Việt Nam để tùy nghi sử dụng trong sách của mình, thì khi xem xét về mặt cấu trúc cuốn sách, chúng ta lại càng thấy những nét “đặc sắc” của một chuyên gia “Copy and Paste” này, đó là ngoài phần nói một cách hết sức mơ hồ về các nguyên lý khoa học làm nền tảng cho Việt Y Pháp, cùng với khá nhiều hình ảnh tự đề cao cá nhân (là một điều khá tế nhị nên tránh trong một tác phẩm về khoa học) không dính dáng gì đến nội dung cuốn sách,  thì tác giả đã dành gần như một nửa số trang của một tác phẩm nghiên cứu hoàng tráng dầy những 272 trang cho phần phụ lục mà nói nôm na là các thông tin của người khác được bê vào !
Các phụ lục được đưa vào từ trang 160 đến trang 268, nghĩa là đến 102 trang ! Trong khi nếu nói về cấu trúc một tập sách nghiên cứu thì phần phụ lục không thể chiếm quá 1/5 bề dầy của tác phẩm. Nói cách khác, phụ lục chỉ là phần thêm vào để minh họa, làm rõ nghĩa một số điểm trong tác phẩm của mình chứ không thể xem là một nội dung chủ yếu. Nhưng chúng ta hãy thử xem nhà nghiên cứu Việt Y Pháp này đã đưa gì vào trong các phụ lục:
Phụ lục 1A : phần Tên đồng nghiệp viết tắt : Trong đó có ghi tên thày Bùi Quốc Châu như một người ngang hàng với các nhà nghiên cứu và thực hành Diện Chẩn khác, trong đó có lương Y Bùi Minh Tâm là con trai của thày Châu, cũng như các vị khác đều là môn sinh trực tiếp hay gián tiếp học tập với thày Bùi Quốc Châu. Điều này tương tự như việc đánh đồng người thày ngang hàng với các học trò của mình, mặc dù có thể sau khi học xong, tốt nghiệp ra trường và hành nghề thì một sinh viên ngành y hay một chuyên ngành nào đó cũng có thể xem người thày đã dạy mình trong trường đại học là đồng nghiệp. Nhưng điều đó không có nghĩa là người sinh viên đó có quyền tự xem mình là ngang hàng với người đã dạy mình, dù chỉ là một vài bộ môn, huống chi đây lại là cả một hệ thống lý luận và thực hành về một nền y học bổ xung ! GS TSKH Bùi Quốc Châu có thể xem các ông như Tạ Minh, Hình Ích Viễn, Lý Phước Lộc và ngay cả con trai mình là Lương Y Bùi Minh Tâm là đồng nghiệp trong một chừng mực nào đó, nhưng các vị này không nên và không thể xem thày Bùi Quốc Châu là đồng nghiệp của mình!  Điều đó thì cả trong ý thức về đạo lý thày trò cũng như về phương diện học thuật đều không thể chấp nhận. Phụ lục này chỉ có 1 trang, đúng chuẩn của phụ lục !
Phụ lục 1B : Phụ lục này thì lại kéo dài từ trang 163 – 248 và đều là nội dung trong cuốn sách của bà M.F. Muller Có lẽ tác giả sợ các bạn đọc tìm không ra cuốn sách viết về Diện Chẩn được bán khá nhiều trong các cửa hàng sách nên đã chịu khó copy and paste đến 85 trang từ một cuốn sách đã xuất bản cho thật hoành tráng !
Phụ lục 2 : Đây là các đồ hình cơ bản của phương pháp Diện Chẩn – ĐKLP của thày Bùi Quốc Châu mà nếu ai xem nguyên bản trong sách Tuyển tập đồ hình Diện Chẩn –Điều khiển liệu pháp & Xoa bóp Việt Nam Cũng như trên trang web : tuchuabenh.com đều biết rõ là bên cạnh mỗi đồ hình đều có tên của tác giả là Bùi Quốc Châu. Cũng có một đồ hình khác của của thày Châu và ông Giác Tấn. Nhưng khi đưa 24 đồ hình này vào làm phụ lục cho sách của mình, thì tác giả lại quên ghi tên người đã tạo ra nó ở bên cạnh !
Cuối cùng, một tập sách nghiên cứu với nhiều nguồn thông tin khác nhau, trích dẫn từ những tài liệu, tác phẩm khác nhau thì bắt buộc phải có phần thư mục, là nơi ghi rõ tên tác phẩm, tên tác giả, tên nhà xuất bản và năm xuất bản mà tác giả đã trích dẫn trong sách của mình. Đó không chỉ là một sự tôn trọng tác quyền, mà còn là một cơ sở minh chứng nguồn gốc cho các thông tin, đặc biệt là về khoa học kỹ thuật và đó là một trong những nguyên tắc biên soạn sách. Nhưng anh sinh viên Toán lý này đã quên luôn, hay không biết đến nguyên tắc này nên đã không ghi rõ những gì đã bê vào cuốn sách thập cẩm về Diện Chẩn của mình.
Tóm lại, ngoài những hạn chế nhất định về trình độ và sự lủng củng trong việc bố cục cuốn sách, thì tập sách Nghiên cứu ứng dụng và phát triển Việt Y Pháp – Diện chẩn điều khiển liệu pháp của tác giả Nguyễn thành Linh là một đỉnh cao của việc sao chép, ăn cắp bản quyền và coi thường những nguyên tắc đạo lý hết sức cơ bản của người Việt Nam nói chung và của giới y học nói riêng. Tác giả đã hiên ngang chà đạp lên tinh thần “uống nước nhớ nguồn” khi tùy tiện đổi tên Việt Y Đạo thành Việt Y Pháp, như một  thứ hàng nhái rẻ tiền – Chà đạp lên giá trị “tôn sư – trọng đạo” khi lấy những sáng tạo của GS TSKH Bùi Quốc Châu đưa vào sử dụng trong sách của mình với những ý đồ hết sức rõ ràng trong việc “nhập nhằng” giữa sự sáng tạo của một người đã được xem là ân nhân của nhân loại ( lời BS Jean Pierre Willem khi đề tựa sách ABC du Dien Chan của GS TSKH Bùi Quốc Châu trên báo Xưa và Nay số Xuân Canh Dần) với sự sáng tạo về một cái gọi là Việt Y Pháp của “quốc gia Việt Nam”  – một sự nhập nhằng hết sức ấu trĩ.
Phương pháp Diện Chẩn – Điều khiển liệu pháp cùng hệ thống các phương pháp khác trong Việt Y Đạo ( Âm Dương Khí Công, Ẩm Thực Dưỡng Sinh, Thể Dục Tự Ý, Thai Giáo Việt Nam…) không đơn thuần chỉ là một cái “pháp” như anh sinh viên Toán Lý kia đưa ra, mà đó là một niềm hãnh diện của cả một dân tộc, một hệ thống lý luận và thực hành tuy cao siêu nhưng từ một em bé, một cụ già hay một người ít học cho đến những Y bác sĩ Đông – Tây Y và các học giả đều có thể hiểu và áp dụng tùy theo năng lực và sự tin tưởng của mình. Đó là điều mà không phải phương pháp nào cũng có thể làm được.
Thật đáng tiếc cho một người đã từng là bộ đội cụ Hồ, đã từng là một sinh viên ngành sư phạm và cũng đã bước qua cái tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh” mà chỉ vì chút ham muốn lưu danh với thiên hạ bằng một tác phẩm ( mua giấy phép xuất bản của chi nhánh NXB Trẻ tại Hà Nội) được in ấn khá hoành tráng. Nhưng qua tập sách: Nghiên cứu ứng dụng & phát triển Việt Y Pháp – Diện chẩn điều khiển liệu pháp với một nội dung chắp vá, cấu trúc thiếu khoa học và các thông tin lấy từ các nguồn khác nhau một cách không minh bạch bằng một tinh thần thiếu tôn trọng những nguyên tắc pháp lý và đạo lý, thì có lẽ tên tuổi tác giả Nguyễn Thành Linh cũng sẽ được lưu, nhưng thay vì lưu danh thiên cổ thì cũng sẽ lưu cái gì …vạn niên ấy !
Học viên khóa Diên Chẩn 104/2007
--------------------------

DCMB mời đọc giả tham khảo thêm

 Logo Việt Y Đạo trên trang Web của GS TSKH Bùi Quốc Châu



Logo trên trang Web Việt Y Pháp của ông Nguyễn Thành Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét